Trong các loại nhân sâm trên thế giới thì sâm Hàn Quốc và Triều Tiên được đánh giá cao nhất về chất lượng và các công dụng tuyệt vời của nó đối với việc chăm sóc sức khỏe con người. Nhân sâm giúp bồi bổ, ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị một số bệnh rất tốt. Từ lâu, y học cổ truyền đã tin dùng sâm như một vị thuốc cực kỳ quý giá, có lợi ích sức khỏe rất cao.
Các kết quả nghiên cứu khoa học hiện đại càng khẳng định hơn nữa các tác dụng tuyệt đỉnh của sâm Hàn Quốc. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm đa dạng từ sâm Hàn Quốc nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sử dụng của mọi người, tạo sự tiện lợi, có thể trở thành món quà đẳng cấp, sang trọng để bạn dành tặng cho những người thân yêu của mình.
Vậy sâm Hàn Quốc có mấy loại? Phân loại sâm Hàn Quốc dựa theo những tiêu chí nào?
Dựa vào quá trình sinh trưởng thì có 3 loại sâm bao gồm:
Sâm trồng
Là loại nhân sâm được gây trồng theo phương pháp nhân tạo ở trên đồng, ruộng và có hình dáng giống người. Sâm trồng thường có 2 nhánh lớn được coi là chân của củ sâm và các rễ sâm mọc từ hai chân sâm. Số nhánh của rễ sâm được dùng để phân biệt độ tuổi của sâm trồng, phụ thuộc vào phương pháp trồng, loại thổ nhưỡng, nước, phân bón… mà hình dáng và số rễ sâm mọc ra nhiều hay ít.
Sâm núi
Sâm núi mọc tự nhiên trong núi sâu, có tác dụng tốt nhất với vị hơi ngọt và đắng. Việc tìm gặp được sâm núi hiện nay là rất hiếm.
Sâm Jang-nue
Đây là loại sâm được nhân giống từ sâm núi nhưng được trồng nhân tạo như sâm trồng. Bởi vì không có thân, chỉ có đầu nối liền với chân nên được gọi là sâm Jang-nue (nghĩa là loại sâm có cái đầu dài). Sâm Jang – nue chỉ được trồng nhân tạo ở những vùng núi sâu dưới các tán cây to lâu năm.
Dựa vào phương pháp chế biến thì có 4 loại sâm gồm:
Sâm tươi
Được thu hoạch từ trong đất và để nguyên trạng thái tự nhiên vẫn còn dính một lớp đất mỏng trên mình củ. Theo số năm trồng mà ta có các loại sâm 4 năm tuổi, 5 năm hay 6 năm tuổi.
Bạch sâm
Sâm tươi sau khi lột một lớp vỏ mỏng được đem phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên cho đến khi còn dưới 14% thành phần nước thì ta sẽ có Bạch sâm. Lúc này vỏ sâm có màu trắng sữa nên được gọi là Bạch sâm. Bạch sâm có thể được bảo quản trong thời gian dài.
Hồng sâm
Những củ sâm tươi được lựa chọn kỹ về chất lượng và hình dáng rồi đem hấp chín khô cho tới khi thành phần nước chỉ còn dưới 14%, lúc này ruột sâm có màu hồng nên được gọi là Hồng sâm. Hồng sâm trải qua quá trình chưng hấp sinh thêm nhiều chất bổ dưỡng nên được đánh giá tốt hơn cả nhân sâm.
Thái cực sâm
Sâm tươi được cho vào nước đang sôi ở nhiệt độ cao trong khoảng thời gian dài. Sau khi thấy lớp vỏ và một phần thân sâm dần chuyển sang màu đỏ thì vớt ra và sấy khô. Thái cực sâm chính là sản phẩm có màu sắc, hình dáng ở giữa Bạch sâm và Hồng sâm. Vì được chế biến trong nhiệt độ cao nên Thái cực sâm cũng chứa đựng dưỡng chất tốt như Hồng sâm.