Xạ trị là một trong những phương pháp chữa ung thư phổ biến nhất trong giai đoạn hiện nay. Bệnh nhân sẽ được bác sỹ chẩn đoán bệnh tình và có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết nhất trước khi tiến hành liệu pháp xạ trị. Tuy rằng có thể mang đến hiệu quả tích cực trong cho quá trình điều trị ung thư nhưng phương pháp này cũng gây ra tác dụng phụ cấp tính và mãn tính không mong muốn.
Người bệnh và gia đình cũng nên có kiến thức cơ bản về những tác dụng phụ của biện pháp chữa ung thư xạ trị này để có cách ứng phó thích hợp và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Tác dụng phụ cấp tính
Tác dụng phụ cấp tính của phương pháp xạ trị là sẽ gây tổn hại cho các tế bào phân chia bình thường trong khu vực đang được điều trị, có những triệu chứng bao gồm kích ứng da hay tổn thương tại khu vực tiếp xúc với các tia bức xạ. Có thể kể đến như rụng tóc hoặc tổn thương các tuyến nước bọt khi bức xạ chiếu vào vùng đầu, mặt, các vấn đề tiết niệu khi xạ trị vùng bụng dưới…
Ngoài ra gây nhức mỏi, buồn nôn và nôn cũng là những tác dụng phụ phổ biến thường gặp, và tình trạng này có thể được khắc phục bằng các loại thuốc ngăn ngừa hoặc điều trị buồn nôn và ói mửa khi xạ trị.
Tác dụng phụ mạn tính
Những tác dụng phụ muộn của xạ trị có thể xảy ra sau khi kết thúc liệu trình xạ trị và có khả năng tiến triển thành mạn tính bao gồm: tổn thương ống tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, gây tiêu chảy và chảy máu, các mô bình thường bị biến thành các vết sẹo hay còn gọi là xơ hóa, vô sinh, mất trí nhớ…
Ngoài yếu tố bức xạ thì tác dụng phụ mạn tính có thể xảy ra hay không còn phụ thuộc vào loại thuốc dùng, lối sống của người bệnh, các yếu tố di truyền… Đây chính là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ di chứng mạn tính.
Khi tiến hành xạ trị để hỗ trợ điều trị ung thư cho một bệnh nhân nào đó, các bác sỹ chuyên khoa sẽ luôn cẩn thận cân nhắc và lường trước những nguy cơ và phối hợp điều trị các tác dụng phụ có thể xảy ra cho từng bệnh nhân, do đó, bệnh nhân ung thư và gia đình không cần phải quá lo lắng về các tác dụng phụ mà nên đến gặp bác sỹ để được tư vấn rõ ràng, cụ thể hơn các yếu tố nguy cơ cũng như biện pháp khắc phục hiệu quả để có sự chuẩn bị tốt nhất khi bắt đầu quá trình xạ trị của mình là được.